Ở gần Trang U bao nhiêu năm mà đi ăn với nó tôi vẫn hay bị lừa. Khi tôi hỏi: Có cay không? Bao giờ Trang cũng nói: Không cay đâu!
Từ nước chấm, lẩu lắm, rồi lẩu Thái, rồi cà ri Ấn… nghe lời nó là lần nào tôi cũng nước mắt nước mũi tèm lem, ho sặc sụa.
Nó cười haha, cắn phập ngang miếng ớt, vênh vênh: Có thế mà cũng kêu!
Có lần tức quá, tôi cãi lại: “Nè, làm sao mà em có thể đo được độ cay trong miệng chị được!”
Tôi cùng nó đi gội đầu, spa cũng thế. Nó thì bảo gào mạnh mới đã ngứa, ko đau đâu, tôi thì luôn dặn ngược lại. Hic hic, làm sao em biết là chị không đau?
Đúng là vậy, cùng 1 trái ớt đó, nhưng người thấy cay, người bình thường, người thấy thấy vui, người chịu ko được.
Đôi khi mình nghe chuyện ai đó, có những việc dễ ơi là dễ, sao mà không chịu cố gắng, sao cứ cố tình nhắm mắt lại?… Như tuần trước nghe chuyện một cô bạn giỏi giang của tôi cứ vớ phải những ông dở hơi, nó đánh cho thừa sống thiếu chết, vậy mà xong lại quay lại. :'(
Thật ra thì “đi trong đôi giày của người khác” cũng chưa chắc đã hiểu hết đâu! Có thể mình biết ngọn ngành câu chuyện, nhưng mình không thể nào đo được việc người ta cảm thấy ớt cay thế nào.
Khi tôi chuyển Xu Sim sang trường tư, nhiều bạn gàn, vì nghe nói ở đó toàn con nhà giàu, con mình sẽ thua kém bạn bè, rồi đua đòi theo thì mệt.
Cũng thấy có phụ huynh, Halloween đưa con tới trường thấy bạn có đồ hoa trang, tính quành xe chạy ra chợ, mua gấp 1 cái áo choàng và mang tới lớp, vì sợ con buồn vì thua bạn kém bè.
Tôi biết, cảm giác là điều rất khó để can thiệp. Nhưng nếu mẹ cộng hưởng với nó thì con sẽ càng tăng cảm xúc.
Tôi chẳng mua áo choàng và mũ phù thủy cho Xu Sim, bảo: Con tự làm thì ý nghĩa hơn, không lóng lánh được bằng hàng Tàu đâu, nhưng mà kệ!
Ko như nước tới 100 độ thì sôi, 0 độ thì hóa đá, tiền thì chả có một con số nào để nói là ĐỦ được. Nếu mẹ cảm thấy xót xa khi con kém bạn 1 cái áo choàng thì con càng thêm đau đớn. Nếu mẹ cứ chăm chú coi bạn con mặc áo gì, giày gì, ĐT gì, xe ô tô hiệu gì, thì con cũng sẽ bứt rứt. Nếu mẹ quá kỳ vọng con đạt thứ hạng cao, thì con sẽ luôn tự áp lực mình phải đứng cao nhất… 🙁
Hôm qua tôi nhiều việc mệt, gọi ĐT than thở với HA. Bảo rằng ước gì không phải đi làm mà vẫn có tiền xài nhỉ? Khi đó hẳn là sướng lắm!
HA kể bà chủ nhà em có cả chục ngôi nhà cho thuê ở HN. Ko phải làm gì, nhưng bà ấy bị trầm cảm suốt 20 năm nay. Mỗi lần gặp bà ấy trả tiền nhà, em lại nghĩ, biết đâu việc khó khăn vật lộn với tiền, lại tốt hơn cho bà ấy thì sao?
Nhớ ngày xưa, Xu một bên và Sim một bên, có lần đưa Xu đi viện còn phải tha cả Sim đi vì ko có ai trông giùm. Nhiều hôm mệt mỏi tới mức cảm giác mọi khớp xương rụng ra, tôi cũng rất ghen tỵ những ai nuôi con có ba mẹ, anh em, giúp đỡ.
Nhưng rồi tôi lại gặp nhiều bà mẹ đau khổ vì không được cho con ăn thứ mình nghĩ là tốt, không được cho con sinh hoạt theo cách mà mình đã được học, không được quyết định các việc liên quan tới con. Dạy con mà cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Tôi lại bỗng thấy mình cũng sướng, tự lập, tự lo thì tự do. Freedom is not free mà.
“Giàu nghèo do số, sướng khổ do mình”, vì sướng khổ chỉ là cảm giác thôi mà! Đừng đợi có tiền mới sướng. Hạnh phúc là Ngay bây giờ và Ở đây nè!
À, tôi làm nghề bị ghét, “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. hic hic… Bài trước cũng có bạn cmt: “Chị dựng chuyện. Tôi có thấy như vậy đâu?”
Tôi reply: “bạn ko thấy, không có nghĩa là tôi cũng ko được thấy!”
Và thậm chí, nếu cùng nhìn thấy, ko phải bạn cay thì tôi mới được cay!
Cái nghề viết, đặc quyền và cũng là thiệt thòi, là cứ phải nhìn thấy cả những điều người ta không thấy, đau hơn người ta, buồn hơn người ta, xót hơn người ta, bức xúc hơn người ta. Mệt mỏi đấy ạ!
Xưa giờ, tôi từng tự hào không thèm kèm con học, con tôi học tới bài nào, hôm nào thi tôi có lúc ko biết. Nhưng năm nay Xu lên lớp 5, nhieu bài Lịch sử tôi phải xắn quần nhảy vào sửa lại. Tôi cho Xu Sim xem những bài báo, những đoạn phim tư liệu mà ở đó, nhiều khi họ nói ngược lại hoàn toàn những gì trong SGK dạy. Xu cũng hoang mang. Hic hic, khổ thân con :'( May mà chúng ta còn có Youtube, FB, Google- những người thầy không bị định hướng, Cám ơn rất nhiều!) Tôi nhớ năm 23 tuổi, từ HN, lần đầu tiên bước chân vào Nha Trang rồi vào SG, rồi vào Mỹ Tho, hầu hết những hiểu biết về Lịch sử, về đất nước, về những cuộc chiến tranh thần thánh… tôi đều phải xới lên và tập nghĩ lại từ đầu theo một cách hoàn toàn khác, chấp nhận nhiều niềm tin vỡ nát tận móng :'(
Xác định luôn là các mẹ phải đơn độc tự làm thôi! Nhà trường thậm chí ngược lại, còn rèn ép tụi trẻ con nói một chiều, tin sách giáo khoa một chiều, cảm xúc đồng thanh một chiều, thậm chí phải đồng phục cả trong tư tưởng… Nên là ba mẹ phải đứng ra mà làm thôi, nhiệm vụ dài hơi!
Dù sao thì, cứ ăn ớt nhiều lần, cũng có thể nâng level ớt của mình lên!