Nếu bạn dạy một đứa trẻ mà chỉ tập trung vào việc dạy một nội dung nào đó theo ý muốn của bạn, thì bạn sẽ dần tạo nên một đứa trẻ bị lệ thuộc – cũng giống như rất nhiều người lớn. Khi không còn ngồi ghế nhà trường nữa, nhiều người lớn không biết họ muốn đi về đâu, muốn phát triển thêm khả năng gì, không biết mình có thể tự phát triển tiếp theo hướng nào.
Nói cách khác, nếu không dạy cho một đứa trẻ khả năng tự định hướng khi học, thì giáo dục đã mất đi giá trị to lớn nhất của nó.
Mục đích của giáo dục là để những đứa trẻ phát triển dần khả năng tự học, để tới khi trưởng thành chúng hiểu chúng là ai, muốn làm gì. Nếu cái hiểu và cái muốn của chúng không có yêu thương, không có kết nối với bản thể của chúng và với những người khác, thì có thể nói quá trình giáo dục đã thất bại: thay vì được chắp cánh, đôi cánh đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Khi bị tổn thương thì phải trải qua giai đoạn chữa lành. Chữa lành thành công thì mới phát triển tiếp được.
Nếu giáo dục chỉ là chuẩn bị trẻ trước cho một tương lai đã được người lớn hình dung sẵn, đó sẽ là một sai lầm to lớn. Xét trên phương diện tâm linh, sử dụng trẻ em làm công cụ thoả mãn bản thân tạo ra nghiệp. Có nghiệp thì lại phải trả.