Đợt này trường mình yêu cầu nộp lại báo cáo đi học về, thế là tự nhiên được dịp đọc lại những thứ mình viết cách đây lâu lắm rồi. Mình tin rằng đã có rất rất nhiều những báo cáo sơ bộ thế này và rất rất nhiều những công trình nghiên cứu khác đi đến kết luận tương tự từ bao nhiêu năm nay gửi về Bộ GD-ĐT, để những năm nay chúng ta được thấy một nỗ lực rất lớn của cả một bộ ngành nhằm thay đổi tương lai giáo dục nước nhà.
Mình còn nhớ ở thời điểm mình viết cái báo cáo này, mọi thứ còn hỗn mang và những gì mình thấy ở hệ thống quanh mình vẫn chưa có gì quá khác so với thời mình còn học phổ thông – ngoài những đợt cải biên thi cử “giật mình” mỗi năm cho kỳ tuyển sinh đại học. Đến hôm nay, khi đọc lại nó, mình bỗng thấy vừa xúc động vừa tràn đầy niềm tin ở tương lai.
(trích đoạn trong báo cáo của mình ở bên dưới)
… “Nhưng dần dần, càng về cuối khóa học, chúng tôi càng nhận ra rằng thật khó có thể tách biệt hoàn toàn một mảng lý thuyết dành riêng cho trẻ em – và rằng có nhiều điểm chung giữa việc dạy người lớn và trẻ em hơn là những điểm riêng biệt.
Để hiểu được rõ tại sao có điểm chung – và vì sao cần có điểm chung, theo tôi, cần nắm được bản chất của vấn đề là cơ chế học tập của người lớn và trẻ con. Phải thừa nhận rằng trẻ em, nếu được đặt vào môi trường ‘đúng’ (nghĩa là dạy đúng cách, ngôn ngữ tiếp nhận chuẩn xác), sẽ học ngoại ngữ rất nhanh và vận dụng chúng rất chính xác; trong khi người lớn đôi khi phải mất rất nhiều thời gian mới thuần thục được những điều ấy. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt? Theo Alan Davis trong quyển ‘Native Speakers’, nguyên nhân chính tạo nên sự khác biệt chính là cơ chế học để tìm nghĩa (language-specific system) ở trẻ em và cơ chế học để giải quyết vấn đề (problem-solving system) ở người lớn. Cụ thể hơn, trẻ em không quan tâm tới việc phân tích so sánh đối chiếu ngôn ngữ mới với ngôn ngữ mẹ đẻ – các em tiếp nhận ngôn ngữ trong ngữ cảnh một cách tự nhiên và nhớ chúng theo ngữ cảnh (rất gần với việc thu nhận tiếng mẹ đẻ); trong khi người lớn thì làm ngược lại. Khi sự phát triển ngôn ngữ của hai bên đạt tới trình độ cao, sẽ rất dễ nhận ra sự khác biệt giữa những từ/cụm từ dùng theo ngữ cảnh và những từ/cụm từ nảy sinh do chuyển dịch ngôn ngữ. Để thay đổi điều này, ngay việc dạy ngoại ngữ cho người lớn cũng phải thay đổi, và thậm chí, càng gần cách dạy ngôn ngữ thứ nhất ở trẻ con càng tốt.
Khi hiểu được điều cơ bản đó, sẽ dễ hiểu được tại sao ‘meaning’ (nghĩa) là từ được nhấn mạnh rất nhiều trong các nền lý thuyết cơ bản về SLA trong thời gian gần đây. Meaning ở đây không đơn thuần chỉ là nghĩa của từ hay cụm từ, mà còn là ý nghĩa của ngữ cảnh, của hoạt động và của bài học.
(…)
Nói tới Montessori là nói tới một nền lý thuyết mang tính cách tân, tồn tại cả trăm năm nay. Điều đặc biệt của Montessori so với những nền lý thuyết về việc dạy trẻ con chính là niềm tin đặc biệt của bà vào khả năng tự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu hầu hết các nền lý thuyết khác đều tin rằng dạy trẻ con cần tập trung vào ‘cái ta dạy’ (learning-centered) thì Montessori lại nói rằng chúng ta vẫn cần tập trung vào ‘người học’ (learner-centered) như khi dạy người lớn. Lý thuyết của bà và không biết bao nhiêu thế hệ học trò của bà đã chứng tỏ rằng trong mỗi một đứa trẻ đều có tiềm năng để phát triển – và trong quá trình tương tác với môi trường, mỗi một em sẽ dần học cách hiểu bản thân và học cách để trở thành con người các em mong muốn trong tương lai. Chính vì thế, cách dạy của bà là nhóm các em trong 3 độ tuổi lại một lớp, cho các em vào một môi trường trong đó các giáo cụ được thiết kế sẵn nhằm dạy các em một kiến thức/kỹ năng nhất định và đồng thời chỉ cần học cách sử dụng giáo cụ ấy là các em đã tìm được ra đáp án đúng cho bản thân. Các em cũng có quyền lựa chọn thứ mình muốn học trong ngày cũng như người ‘cộng sự’ với mình. Bên cạnh đó, các em cũng được rèn luyện tính chịu trách nhiệm cao đối với những công việc mình chọn.
(…)
Chương trình extensive reading từ lâu trong lý thuyết giảng dạy đã chứng tỏ được sức mạnh giáo dục cũng như phát triển ngôn ngữ của nó. Các nghiên cứu đã chứng minh mỗi ngày chỉ cần đọc một số trang sách nhất định, sau một năm, lượng từ vựng của một người sẽ tăng lên vô cùng đáng kể. Cũng như không thầy cô nào có thể truyền tải nhiều kiến thức phong phú và sâu sắc được như sách vở. Hiểu được điều này, bộ giáo dục (…) đã đưa vào chương trình 30 phút mỗi ngày dành riêng cho việc đọc sách. Cứ đến một giờ nhất định, tất cả học sinh trong lớp sẽ cầm lên một quyển sách, bất kể là cuốn nào, và ngồi đọc. Đây là một phương pháp rất hay nhằm tăng dân trí, và nuôi dưỡng tình yêu với tri thức, mà cá nhân tôi tin rằng Việt Nam nên áp dụng.
(…)
Một trong những đặc điểm rõ nét nhất sau những chuyến đi dự giờ mà cả lớp chúng tôi cùng thống nhất chính là khả năng nuôi dưỡng tâm hồn một đứa trẻ trong nên giáo dục (…). Điều đó thể hiện rất rõ trong cách họ xây dựng những chương trình học gắn liền với văn hóa như (…), cách họ nuôi dưỡng tình yêu với sách vở, cách họ tôn trọng quyền quyết định và củng cố tinh thần trách nhiệm của các em trong giờ học cũng như cách họ đưa những em bé tật nguyền vào lớp học bình thường để giúp các em được hòa nhập với cộng đồng. Tất cả những điều đó khiến một đứa bé thụ hưởng nền giáo dục (…) lớn lên trở thành một công dân hiểu biết, tự tin, trách nhiệm, biết yêu thương, giúp đỡ cộng đồng và có tinh thần dân tộc cao.
Để có được thời gian xây dựng những điều đớ, có thể thấy rõ, chương trình học tiểu học của (…) được giảm tải một cách đáng kể những kiến thức lý thuyết quá nặng. Học sinh sắp kết thúc bậc tiểu học vẫn chỉ quanh quẩn những phép cộng trừ nhân chia đơn giản. Chủ yếu thời gian học tập dành cho việc quan sát và học những kỹ năng thực tế. Thi cử không bị đặt quá nặng, và chủ yếu do giáo viên quyết định. Kết quả thi cũng không phải để xếp hạng mà là để giáo viên khoanh vùng những mảng kiến thức cần được bổ sung hay những em học sinh cần sự hỗ trợ đặc biệt.
Tôi tin rằng đó cũng là điều chúng ta nên làm đối với các em nhỏ của mình. Và tất cả những điều đó là hoàn toàn có thể vận dụng được.”
(…)